Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Ôn Sinh học: Phải đổi mới phương pháp ôn

Ôn Sinh học: Phải đổi mới phương pháp ôn

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, một số môn học được thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó có môn sinh học, vì vậy các em cần đổi mới phương pháp học tập để phù hợp với hình thức thi này.

Trước hết cần hiểu nội dung kiến thức nằm chủ yếu trong chương trình sinh học 12, hệ thống câu hỏi phủ toàn bộ hệ thống kiến thức và kỹ năng của chương trình sách giáo khoa. Vì vậy không thể học tủ, học lệch.

Đề thi không vượt quá chương trình sách giáo khoa hiện hành, không lắt léo đánh đố, không xa rời thực tế, vì vậy việc sử dụng sách giáo khoa là tài liệu học tập chủ yếu. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các tài liệu tham khảo khác.

Nên phân tích cấu trúc đề thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trọng tâm thể hiện ở sự phân bố số lượng câu hỏi trong mỗi phần kiến thức.

Ví dụ: Phần Di truyền học có 30 câu hỏi (phần chung 24 câu, phần riêng 6 câu)

Phần Tiến hóa có 10 câu hỏi (phần chung 8 câu, phần riêng 2 câu)

Phần Sinh thái có 10 câu hỏi (phần chung 8 câu, phần riêng 2 câu).

Về cách học: - Trước hết cần hiểu thấu đáo các kiến thức cơ bản và vận dụng vào việc phân tích, xác định, nhận biết các đáp án đúng, sai trong các câu hỏi trắc nghiệm.

- Trong mỗi bài học, liệt kê các khái niệm, không nhất thiết phải học thuộc lòng nhưng cần hiểu bản chất các khái niệm, phân biệt khái niệm đó trong hệ thống khái niệm.

- Các kiến thức về quá trình, các quy luật sinh học không cần thuộc lòng từng câu từng chữ nhưng cần ghi nhớ những nội dụng cơ bản.

- Những kiến thức liên quan đến thực tế đời sống cần biết vận dụng vào thực tiễn.

- Hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập sơ đồ khái niệm, lập bảng so sánh.

Ví dụ: Khi ôn tập bài đột biến gen cần hệ thống hóa kiến thức.

+ Khái niệm: đột biến, thể đột biến

+ Cơ chế phát sinh: do kết cặp sai trong nhân đôi ADN do các tác nhân lí học, hóa học, sinh học của môi trường.

+ Kiến thức thực tiễn: các bệnh ở người do đột biến gen gây ra như bệnh hồng cầu lưỡi liềm, bệnh bạch tạng, bệnh máu khó đông, bệnh mù màu...

- Lập bảng tóm tắt, sơ đồ cho từng vấn đề của bài học, hình dung mối liên quan giữa các sự kiện, tránh tình trạng học thuộc nhưng lơ tơ mơ không chính xác.

- Phần bài tập:

+ Để làm được bài tập cần hiểu và nhớ kiến thức cơ bản một cách chính xác.

+ Rèn luyện kỹ năng tính toán đặc biệt toán lai do có tính quy luật rõ ràng nên có thể nhanh chóng xác định các quy luật di truyền chi phối tình trạng.

Ôn tập xong mới nên làm các đề thi tham khảo tương ứng với thời gian đã quy định, tính câu trả lời đúng để tự đánh giá trình độ. Khi cần thiết có thể mở sách và tài liệu tham khảo để nắm vững và chính xác kiến thức hơn. Khi nào trả lời đúng tất cả các câu hỏi thì có thể coi như đã nắm vững các kiến thức cơ bản của chương trình.

Do tính nâng cao của câu hỏi, các em không nên nóng vội. Trong các đề thi tham khảo, việc làm câu hỏi khó giúp củng cố vững chắc kiến thức, nâng cao kỹ năng thao tác tư duy, là động lực học tập. Tuy nhiên không nên chỉ chọn câu hỏi khó để làm. Để làm được các câu hỏi khó, cần có sự vận động thao tác tư duy trên nền kiến thức chuẩn xác.

Cần luyện tập trên nhiều đề thi sau đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh cách học, nâng cao kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Nên tham khảo các đề thi đại học cao đẳng của những năm gần đây.

Gần sát ngày thi, nên rà soát lại chương trình đã ôn tập, xem kỹ hơn những nội dung khó, nhớ lại những kiến thức cốt lõi.

Khi làm bài thi, cần chú ý đọc thật kỹ phần dẫn, không bỏ sót từ nào để nắm chắc yêu cầu trả lời, đặc biệt chú ý các câu phủ định: “không”, “không đúng”, “sai”.

Vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng quyết định chọn câu trả lời đúng. Nên trả lời tất cả các câu hỏi, không nên để trống câu hỏi nào.

Thời gian làm bài là 90 phút, nên phân phối thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi từ 1 đến 2 phút, không quá sa vào câu hỏi khó, có thể bỏ qua những câu hỏi khó sau đó rà soát lại để hoàn thành tốt toàn bộ đề thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét