Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Thi cử năm 2009 - 2010 : Thí sinh được chọn một môn thi

2011 sẽ tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh đại học

- Dự kiến, sau khi tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, ngành giáo dục đào tạo chủ trương sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia theo Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, trung cấp. Đến năm 2011, sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện đề án và đề xuất phương pháp tiếp tục đổi mới.

Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) cho biết như vậy khi trả lời báo Nhân Dân số ra hôm nay (12/5).

Theo đề án, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại các tỉnh. Ngành giáo dục và đào tạo các địa phương sắp xếp các trường thành cụm trường để tổ chức thi.

Thí sinh được chọn một môn thi

Đề án đổi mới nêu rõ 3 đối tượng được đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia gồm: Những thí sinh chỉ có mục đích được công nhận tốt nghiệp THPT; những thí sinh có mục đích vừa được công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được xét vào ĐH, CĐ, TC và thí sinh chỉ có mục đích được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC.

Theo đề án mới nhất vừa được hoàn thiện, thí sinh sẽ thi 8 môn trong số các môn học ở cấp THPT, gồm: Ngữ văn, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Thí sinh phải thi 6 môn để được công nhận tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả thí sinh (ngữ văn, toán và ngoại ngữ), 2 môn do Bộ GD – ĐT quy định. Thí sinh được chọn một trong số các môn còn lại của kỳ thi (thay vì được chọn 2 như thông tin đưa ra tham khảo các lãnh đạo các Sở GD - ĐT phía Nam cuối tháng 4).

19 khu vực chấm chéo, hơn 10.000 giảng viên làm thanh tra

Ông Ninh cho hay, đề án đổi mới sẽ được thực hiện sau khi tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009.

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 đươc đánh giá "có ý nghĩa quan trọng" bởi "áp dụng cao nhất những giải pháp đổi mới theo lộ trình".

Những điểm mới của kỳ thi đã được thảo luận rộng rãi tại hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức đầu tháng 1/2009 và "chốt" lại với quy chế ban hành tháng 3.

Các địa phương sẽ tổ chức thi theo cụm. Thống kê từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy, cón hơn 2.600 trường tham gia thi theo cụm (từ 3 trường trở lên), chiếm 82,4% số trường phổ thông có lớp 12 trong toàn quốc. Chỉ có 161 trường thi riêng lẻ, chiếm 5,1%.

Bài thi sẽ được đổi chấm chéo giữa các địa phương. Cả nước có 19 khu vực chấm thi chéo, bảo đảm cự ly chuyển bài thi tương đối gần và giao thông thuận tiện.

Ngày 29/4, Bộ GD-ĐT đã có quyết định thành lập 64 đoàn thanh tra thi, giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo kì thi. Bộ GD - ĐT uỷ quyền cho các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng cử cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra thi, giám sát.

Hà Nội là địa phương có số hội đồng thi nhiều nhất cả nước (197 hội đồng) với 709 cán bộ làm nhiệm vụ. Các địa phương có số hội đồng thi nhiều là: Nghệ An (103), Thanh Hoá (124), Nam Định và Hải Dương (60); TP.HCM có 104 hội đồng thi, huy động 459 cán bộ. Lai Châu là địa phương có số hội đồng thi ít nhất cả nước (9 hội đồng).

Tại mỗi địa phương sẽ có 2 ban chỉ đạo thi, 1 hội đồng in sao, 5 hội đồng chấm thi, 5 hội đồng phúc khảo.
Từ đầu tháng 5, trang thông tin chính thức của Bộ GD-ĐT thường xuyên thông tin công tác chỉ đạo, chuẩn bị cho kỳ thi. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc phổ biến nhất của cơ sở liên quan tới tổ chức kỳ thi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét