Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Bài viết hay về bóng đá VIỆT

(TT&VH) - Các tuyển thủ kể lại rằng khi Singapore đánh bại Việt Nam trên chấm phạt đền, để nâng cao chiếc cúp Tiger Trophy hồi cuối năm 2008 (trước AFF Cup), Duric không cười tươi như thế, Lionel Lewis không lắc lư chiếc cúp và giương nó cao lên trên không trung trong đôi tay rắn chắc.

Đó là sự khác biệt. Chiến thắng bao giờ cũng nặng nhẹ thông qua cảm giác, niềm hạnh phúc, chứ không chỉ đơn thuần là giá trị của giải thưởng. Cúp TP HCM suy cho cùng cũng chẳng ghê gớm hơn bao nhiêu (chỉ nhỉnh hơn) so với Tiger Trophy-trận đấu được đẻ ra bởi nhà tài trợ quen thuộc của giới nghiền bia ĐNA.

Nhưng sự hạnh phúc của các cầu thủ Singapore đã vượt lên trên mức độ thông thường, nó gợi nhớ tới chiến thắng ở AFF Cup năm 2004 và 2006 của đảo quốc này. Vì sao?

Vì nó là cuộc “trả thù” (trong bóng đá, tính chất này gần như trở nên phổ biến) cho trận thua của họ trước chúng ta ở bán kết. Có lẽ như thế.

Vì nó là sự xác lập lại đẳng cấp của nền bóng đá đã là số 1 của khu vực trong giai đoạn 2004-2007, rằng Singapore không đứng sau Việt Nam (trong BXH của FIFA, Singapore đứng cao hơn). Họ tin như thế, dù chúng ta có quyền để phản bác lại một cách có cơ sở.

Cơ sở đó là trận đấu hôm qua chỉ là trận “chung kết” không chính thức của một giải giao hữu; là kết quả hòa 2-2 (Singapore vẫn chưa thể thắng, dù đứng cao hơn); là sự vắng mặt của hàng loạt trụ cột gồm Công Vinh, Vũ Phong, Quang Thanh, Tài Em và sự hiện diện của Như Thành và Minh Phương cũng chỉ là 2 cái bóng.


Với Quang Hải và các đồng đội, khi đá bóng bổng với Singapore, nghĩa là tự hạn
chế khả năng của mình - Ảnh:Bá Châu


Song, nếu nhìn vào Cúp TP HCM (3 trận), vòng loại Asian Cup (2 trận), và cả cách chiến thắng của chúng ta trước Singapore và Thái Lan thì đẳng cấp của đội tuyển chưa phải là sự đảo ngược tình thế như chúng ta đã từng phải ngước nhìn họ từ khoảng cách khá xa. Nghĩa là không chỉ có giải giao hữu và đá tập huấn.

Việt Nam mới chỉ thắng Singapore bằng 1 bàn cách biệt trong một thế trận đối phương đã chơi rất hay, và có nhiều cơ hội nhưng rốt cục lại không thể ghi bàn. Việt Nam cũng chỉ thắng Thái Lan chênh lệch 1 bàn và bàn thắng quyết định chỉ được ghi ở phút cuối hiệp hai sau khi đối thủ đã chơi sòng phẳng và có bàn dẫn trước.

Nó khác với việc Việt Nam đã từng thua Thái Lan cách biệt vài ba bàn trong các trận chung kết và chúng ta hầu như chưa bao giờ chơi ngang ngửa ở cấp độ đội tuyển A (chỉ có U23 VN năm 2003 là khả dĩ hơn đôi chút).

Có thể cách cởi áo ném lên khán đài ăn mừng bàn thắng của Quang Hải không được tất cả mọi người đồng tình, nhưng riêng người viết lại chia sẻ sâu sắc. Nó phản ánh rằng chúng ta nên biết trân trọng tất cả những bàn thắng ghi được vào lưới của những đội hàng đầu khu vực và phải chơi với thái độ không được buông thả ngay cả trong những giải đấu giao hữu. Và nó cũng phản ánh vị thế của ĐTVN trong tương quan khu vực.

Đẳng cấp của BĐVN rõ ràng chưa đủ để chúng ta ghi bàn vào lưới Thái Lan hay Singapore, thậm chí Indonesia, rồi dưng dưng không thèm ăn mừng!

Chúng ta không thể tự ru ngủ mình bằng những lời có cánh, bằng những ống thuốc bổ phi – la – tốp về đẳng cấp của đội tuyển và cả khả năng đá thử thì thua nhưng đá thật thì thắng (bởi nó không tuyệt đối là quy luật nguyên nhân-kết quả). Nó sẽ làm đội tuyển suy yếu, và trong tương lai trung hạn, chúng ta chưa chắc đã duy trì được vị thế mới đạt được ở khu vực.

Trận hòa trong thế rượt đuổi tới mức hổn hển của ĐTVN (ghi bàn phút cuối nhờ quả penalty sau lỗi lãng nhách của thủ môn đối phương) và đứng thứ 3 ở Cúp TP HCM xem ra là bài học đáng kể thứ hai về câu chuyện đẳng cấp, sau trận thua 1-6 trước Trung Quốc, một đội bóng chưa bao giờ được coi là ông Kẹ của châu Á.

Thế nên, bên cạnh sự ăn mừng có lý của Singapore thì cũng không phải là không đáng lo nếu như chúng ta đã và đang coi nhẹ thất bại.