Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Các loại ARN


1. Cấu tạo của ARN :

- Phân tử ARN (axit ribônuclêic) có cấu tạo đa phân, được tập hợp từ nhiều đơn phân là các ribônuclêôtit.

- Mỗi một ribônuclêôtit có khối lượng và kích thước trung bình lần lượt là 300 đơn vị cacbon và 3,4 A0 với 3 thành phần cấu tạo là :

· Một phân tử đường ribô (có công thức cấu tạo là C5H10O5).

· Một phân tử axit photphoric (H3PO4).

· Một trong 4 loại bazơ nitric là : ađênin (A), uraxin (U), guanin (G) và xitôzin (X).

- Các ribônuclêôtit chỉ phân biệt nhau ở thành phần bazơ nitric. Vì vậy tên gọi của ribônuclêôtit được xác định bằng tên của loại bazơ nitric có trong ribônuclêôtit đó.

- Phân tử ARN gồm một mạch pôliribônuclêôtit do các ribônuclêôtit liên kết lại với nhau bằng liên kết hóa trị hình thành giữa phân tử axit photphoric của ribônuclêôtit này với phân tử đường của ribônuclêôtit kế tiếp.

- Bốn loại ribônuclêôtit A, U, G, X sắp xếp với thành phần, số lượng và trật tự khác nhau hình thành nên tính đặc trưng và tính đa dạng của ARN.

2. Đặc điểm và chức năng của các loại ARN trong tế bào :

Căn cứ trên chức năng, người ta phân biệt 3 loại ARN :

a. ARN thông tin (mARN) :

- Chiếm khoảng 5 – 10% lượng ARN trong tế bào.

- Có cấu tạo 1 mạch thẳng không cuộn được xem là bản mã sao do được sao chép từ thông tin di truyền của 1 đoạn gen trên phân tử ADN.

- Chức năng của mARN là làm nhiệm vụ truyền đạt thông tin về cấu trúc của phân tử prôtêin được tổng hợp từ ADN đến ribôxôm của tế bào chất.

b. ARN ribôxôm (rARN) :

- Chiếm khoảng 70 – 80% lượng ARN trong tế bào, cũng có cấu trúc một mạch pôliribônuclêôtit và có chức năng tham gia vào cấu tạo của ribôxôm trong tế bàopôlinuclêôtit.

c. ARN vận chuyển (tARN) :

- Chiếm khoảng 10 – 20% lượng ARN trong tế bào.

- ARN vận chuyển cũng có cấu tạo 1 mạch pôliribônuclêôtit nhưng cuộn lại ở một đầu. Trong mạch, có một số đoạn các cặp bazơ nitric liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung (A với U và G với X). Sự cuộn một đầu của tARN cùng với liên kết hyđrô bổ sung đã hình thành một số thùy tròn trên tARN, một trong các thùy tròn mang bộ ba đối mã gồm 3 ribônuclêôtit đặc hiệu với axit amin mà tARN phải vận chuyển. Đầu tự do của tARN có vị trí gắn axit amin đặc hiệu.

- tARN có chức năng vận chuyển axit amin từ môi trường tế bào chất vào ribôxôm để tổng hợp prôtêin.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét