Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Đằng sau dòng chữ "đào tạo chất lượng cao"

Đằng sau dòng chữ "đào tạo chất lượng cao"
Cập nhật lúc 06h55, ngày 17/12/2008

Ảnh minh họa Ảnh: Thanh HảiHanoinet - Nhiều người học và không ít người dạy đang lo lắng phập phồng vì chất lượng đào tạo theo mô hình chất lượng cao tại nhiều trường đại học. Người ta đặt câu hỏi là đằng sau dòng chữ quảng bá "đào tạo chất lượng cao" các trường đang trưng ra thực chất là gì.
Hanoinet - Nhiều người học và không ít người dạy đang lo lắng phập phồng vì chất lượng đào tạo theo mô hình chất lượng cao tại nhiều trường đại học. Người ta đặt câu hỏi là đằng sau dòng chữ quảng bá "đào tạo chất lượng cao" các trường đang trưng ra thực chất là gì.

Chuyện các trường quảng cáo và phô trương thái quá về hình ảnh của mình đang có xu hướng tăng. Không hiếm nơi tự nhận là trường có "đẳng cấp" hoặc "đào tạo chất lượng cao"... nhưng khi cơ quan chức năng thẩm tra, thì mới phát hiện ra số lượng giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ mà trường đăng ký trong danh sách giảng viên cơ hữu không hề tồn tại. Tương tự với một vài trường đại học, cái gọi là đẳng cấp hay chất lượng cao thực ra chỉ là việc nhà trường "tân trang" hoặc "nâng cấp" một số phòng học theo hướng "máy lạnh hóa" chứ chẳng phải là nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hay bồi bổ nguồn lực bằng một đội ngũ giảng viên có học vị và thực chất.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mặc dù số trường đại học được thành lập mới trong thời gian qua chưa phải là ồ ạt (25 trường, trong đó có 8 trường dân lập), nhưng tỷ lệ tăng trưởng này vẫn cao hơn hẳn mức đào tạo giảng viên có trình độ. Có giảng viên "ôm" một lúc đến 4 trường đại học, chấp nhận không về làm "cơ hữu" cho trường nào chỉ để tự do và "ăn" theo số tiết thỉnh giảng. Đây là tâm lý phổ biến trong giảng viên có uy tín của các trường đại học công lập khi xác định "cơ chế hai chân" mà không quá mạo hiểm đầu quân cho một trường đại học dân lập chưa có nền tảng.

Vì thế nên mặc dù tỷ lệ giảng viên là cơ hữu trong các trường đại học dân lập là 1.664/5012 (tỷ lệ tối thiểu bắt buộc 30%) cao hơn quy định của Bộ GD&ĐT nhưng nếu khảo sát kỹ, số giảng viên cơ hữu có trình độ đáp ứng yêu cầu không nhiều. Thậm chí có trường dân lập đã ra đời nhiều năm nhưng số giảng viên cơ hữu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều giảng viên vì "chạy sô" nên không còn thời gian để tự nghiên cứu, thậm chí đến thời gian để bổ sung và hoàn thiện giáo án cũng không có. Nếu có được chút thời gian trống tiết thì lao vào... ngủ để bù lại sức. Lẽ đương nhiên kéo theo đó là chất lượng giảng dạy sa sút.

Hiện nay, chỉ có một ít trường đại học có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là thật sự có hiệu quả, cập nhật thông tin và thu hút học viên, xứng đáng với "đồng tiền bát gạo" mà học viên bỏ ra. Còn với đa số các trường đại học dân lập và kể cả đại học công lập, chương trình đào tạo chất lượng cao vẫn là một cái gì đó vá víu, thậm chí đi lệch quỹ đạo của chương trình đào tạo khung của Bộ. Trong khi, kế hoạch nhập khẩu và biên soạn lại chương trình đào tạo của nước ngoài do Bộ chủ trì vẫn triển khai rất chậm.

Bộ đã đưa ra chủ trương mở thêm 100 trường đại học đến năm 2010 để đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên. Thực hiện kế hoạch này không khó, tuy nhiên, với các yếu tố chính là chương trình đào tạo, giáo viên giảng dạy và cơ sở vật chất - kỹ thuật kém được đổi mới, khó có thể nói đến việc "vươn lên mặt bằng đào tạo quốc tế".
V.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét