Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

NHận định đề Môn Sinh 2009

NHận định đề Môn Sinh 2009

TRẦN NGỌC DANH
(giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Gần đây tôi nhận được nhiều câu hỏi từ các em học sinh về việc nội dung kiến thức không thống nhất giữa SGK và các tài liệu ôn tập. Ví dụ: Đột biến hồng cầu liềm là do thay cặp T-A bằng A-T (SGK nâng cao 12 trang 110) hay thay cặp A -T bằng G-X (sách Bài tập cơ bản 12 trang 9)? Bệnh ung thư máu (bạch cầu ác tính) là do mất đoạn Nhiễm sắc thể 21 (SGK12 nâng cao trang 31) hay nhiễm sắc thể 22 (SGK cơ bản 12 trang 24)? và những câu hỏi tương tự. Câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp trên là: Đề thi sẽ không ra vào những nội dung kiến thức còn đang tranh luận về mặt khoa học do đó tất cả những trường hợp tương tự các em học sinh không cần phải quan tâm.

Qua đề thi tốt nghiệp THPT 2009 đã xác định: đề thi bám sát cấu trúc đề mà Bộ GD-ĐT đã ban hành, phần lựa chọn giữa chương trình chuẩn và nâng cao cũng đã khai thác những nội dung trong phần riêng giữa 2 bộ SGK. Phần chung chỉ khai thác các kiến thức cơ bản và giao thoa giữa 2 bộ sách để học sinh học chương trình nào cũng có thể làm được bài tốt nếu hiểu câu hỏi và vận dụng được kiến thức đã học.Tuy nhiên điều này cũng không cho phép chủ quan với đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới vì mục đích và tính chất của 2 kỳ thi là khác nhau.

Có thể dự đoán:

Phần riêng giữa 2 bộ SGK sẽ được khai thác sâu hơn, chương trình nâng cao có thể sẽ có thêm những bài tập riêng.

Phần chung có 40 câu hỏi và dĩ nhiên độ khó cũng được nâng lên tương ứng. Các chương I, II, III di truyền đều có thể cho những bài tập có suy luận để kiểm tra kiến thức và khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên sẽ không có nhiều bài tập quá khó.

Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là nắm chắc, học kỹ nội dung bộ SGK mình đang học và nhớ rằng chỉ được làm một trong hai phần lựa chọn trong đề thi.

Về nội dung ôn tập, cần chú ý:

* Học cẩn thận tất cả những nội dung kiến thức mới bổ sung vào chương trình SGK mới hoặc có thay đổi so với SGK cải cách kể cả các ví dụ như:

- Chương I Di truyền: cấu trúc của gen, cơ chế hoạt động và điều hòa hoạt động của gen, phân loại và cơ chế đột biến gen, cấu trúc siêu vi của NST.

-Chương II Di truyền: Nội dung các phát biểu quy luật phân li, phân li độc lập của Menđen, khái niệm mức phản ứng của kiểu gen và thường biến.

- Chương III Di truyền: Cân bằng Hacđy-Vanbéc ở quần thể ngẫu phối, có mở rộng ở gen có 3 alen có dạng (p+q+r)2. Quần thể tự phối có thể mở rộng các kiểu gen bất thụ, gây chết hoặc nhập cư, xuất cư, đột biến.

- Chương IV Di truyền: Cơ chế ưu thế lai, giả thuyết siêu trội, các phương pháp tạo giống mới, các bước trong kỹ thuật chuyển gen, khái niệm sinh vật biến đổi gen.

- Chương V Di truyền: Khái niệm bệnh di truyền phân tử, bệnh do đột biến NST và bệnh ung thư, khái niệm gánh nặng di truyền và bảo vệ vốn gen của loài người.

- Chương I Tiến hóa: (C1, và 2 SGK NC) Bằng chứng tiến hóa, khái niệm và vai trò các nhân tố tiến hóa theo quan niệm hiện đại. Lưu ý các cơ chế cách ly sinh sản và ngẫu phối không phải là nhân tố tiến hóa nhưng có vai trò quan trọng trong tiến hóa. Vai trò của chọn lọc tự nhiên trong quá trình hình thành loài và hình thành đặc điểm thích nghi.

- Chương II Tiến hóa: (C3 SGK NC) Các chi tiết trong bảng tóm tắt các đại địa chất.

- Chương I Sinh thái: (C1, và 2 SGK NC) Khái niệm môi trường, ổ sinh thái, các đặc trưng cơ bản của quần thể.

- Chương II Sinh thái: (C3 SGK NC): Các mối quan hệ sinh thái, các kiểu diễn thế sinh thái

- Chương III Sinh thái: (C4 SGK NC): Khái niệm, đặc điểm và các kiểu hệ sinh thái trên trái đất.

* Do các câu hỏi được rút ra từ ngân hàng đề nên câu hỏi đã ra trong kỳ thi trước vẫn lập lại trong kỳ thi sau.

Ví dụ:

Câu 6 Mã đề 546 Đại học và Câu 41 Mã đề 571 Cao đẳng 2007

Quần thể nào sau đây ở trạng thái cân bằng di truyền?

A. 0,04 AA: 0,64 Aa: 0,32 aa.
B. 0,64 AA: 0,04 Aa: 0,32 aa.
C. 0,32 AA: 0,64 Aa: 0,04 aa.
D. 0,64 AA: 0,32Aa: 0,04 aa.

Câu 29 Mã đề 980 Đại học 2008

Theo Kimura, sự tiến hóa ở cấp độ phân tử diễn ra bằng sự củng cố ngẫu nhiên các đột biến:

A. có hại.
B. trung tính.
C. nhiễm sắc thể.
D. có lợi.

và Câu 45 Mã đề 159 TNPT 2009

Theo Kimura, sự tiến hóa ở cấp độ phân tử diễn ra bằng sự củng cố ngẫu nhiên các:

A. biến dị có lợi
B. đặc điểm thích nghi
C. đặc điểm có lợi
D. đột biến trung tính

* Một vài câu hỏi trong đề có mục đích phân hóa, phát hiện học sinh giỏi cần được đọc cẩn thận và sáng tạo trong cách giải.

Ví dụ:

Mã đề 980 Đề TSĐH năm 2008

Câu 15: Trong một quần thể thực vật tự thụ phấn, tỷ lệ kiểu gen ở thế hệ P là 0,45 AA: 0,30Aa: 0,25 aa. Cho biết các cá thể aa không có khả năng sinh sản. Tính theo lý thuyết thì tỷ lệ các kiểu gen thu được ở thế hệ F1 là:

A. 0,525AA: 0,150 Aa: 0,325aa.
B. 0,36AA: 0,24 Aa: 0,40aa.
C. 0,42AA: 0,49 Aa: 0,09aa.
D. 0,7AA: 0,2 Aa: 0,1aa.

Trong câu này đề cho điều kiện “các cá thể aa không có khả năng sinh sản” nên trước khi tính tỷ lệ kiểu gen ở F1, học sinh phải biết tính lại thành phần kiểu gen của quần thể tự thụ, xem như quần thể chỉ có 2 kiểu gen AA chiếm tỷ lệ 0,45/0,45 + 0,30 = 0,6 và kiểu gen Aa chiếm tỷ lệ 0,30/0,45 + 0,30 = 0,4. Do đó khi cho tự thụ, tỷ lệ kiểu gen Aa giảm 1/2 chỉ còn 0,2 nên đáp án đúng là D. 0,7AA: 0,2 Aa: 0,1aa.

TRẦN NGỌC DANH
(giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét