Nhận xét đề thi (trích VNN)
Thầy Doãn Minh Cường, Trường ĐHSP Hà Nội: Đề thi "trung thành" với sách giáo khoa
Nhìn chung đề thi trung thành với cách diễn đạt của SGK, trung thành với cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT công bố trước đó và chính xác đến từng tỷ lệ kiến thức. Đảm bảo được nguyên tắc chung của ra đề thi chủ yếu lớp 12, phân loại được thí sinh.
Nhận xét tổng quát, đề không có sai sót gì đặc biệt, tương đối bao quát được chương trình. HS học tốt, nắm chắc kiến thức phổ thông dễ dàng đạt được trên trung bình. Để đạt được điểm tối đa đòi hỏi HS phải có sự rèn luyện nhiều hơn.
Trong đề thi này, câu khó nhất là câu 5, được 1 điểm, nội dung là về chứng minh bất đẳng thức. Khó khăn ít nhiều thuộc về câu 2 phần 2, nội dung là giải phương trình.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm, HS phổ thông sẽ gặp khó khăn ở câu 4 về hình học không gian tổng hợp, liên quan đến kiến thức huy động của lớp 11.
HS học cách đây 2-3 năm và năm nay thi lại sẽ gặp khó ở câu 7a, phần nội dung về số phức là dạng bài mới. Tuy nhiên, trước đó, Bộ GD-ĐT đã thông báo, những HS thi lại phải tự bổ sung thêm kiến thức mới.
Riêng với phần tự chọn chương trình nâng cao và chuẩn khác nhau không nhiều. Theo SGK thì phần nâng cao cao hơn phần chuẩn 20%, do đó, phần hình học chuẩn và nâng cao chỉ có sự khác biệt nho nhỏ.
So với những năm gần đây đề ra ổn định, không có khác biệt lớn về khó, dễ. Nhưng nếu so với cách đây khoảng chục năm, khi các trường còn ra đề riêng thì ở một số trường có độ khó cao hơn.
Thầy Lê Xuân Đại, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc: Không khác nhiều giữa chương trình chuẩn và nâng cao
Nội dung đề thi bao quát được cả lớp 10, 11 và 12, nhưng chủ yếu vẫn là lớp 12, chiếm 60%. Đề không đánh đố HS. Đề câu chữ chuẩn, không thừa, thiếu giả thuyết, câu chữ rõ ràng, HS đọc là có thể hiểu để ngay.
Nhận xét toàn đề, ra khá cứng, không dễ quá, phân loại thí sinh tốt. Cụ thể, khó ở câu 4 hình không gian, câu 5 bất đẳng thức và 1 câu trong phần tự chọn chuẩn và nâng cao 6a, 7a.
7 câu còn lại, HS khá, nắm chắc kiến thức SGK kiếm được điểm 5 không khó.
2 câu khó, nếu được luyện tập nhiều về hình không gian sẽ làm được. Riêng phần tự chọn, HS khá có thể làm được 2/3 trong phần đó.
Đề thi không khác nhiều giữa chuẩn và nâng cao nên thí sinh có thể tự chọn một trong hai phần để làm bài.
Nhưng dù chọn chương trình nào, nếu không xuất sắc thì cũng chỉ làm được 2/3.
GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội: Có khả năng phân loại
Đề ra theo cảm nhận cơ bản, bám sát nội dung sách giáo khoa, cấu trúc đề thi giống mọi năm,
Đọc qua toàn bộ đề, nếu 1 học sinh cỡ trung bình khá đạt được 5-6 điểm, đạt yêu cầu của thi Đại học.
Bài phân loại những thí sinh giỏi tương đối cơ bản, thí sinh giỏi có thể làm tốt những bài này.
Kiến thức tập trung ở lớp 11 và lớp 12 là chính, kiến thức móc xích lẫn nhau nên khó nói là tỷ lệ phân bổ kiến lớp trong lớp 11 hay 12 cụ thể là bao nhiêu.
Đi vào nhận xét cụ thể ở các bài thi hầu hết các bài đều là kiến thức cơ bản. Chỉ có bài V phần chung và ý a,b bài VII có tính chất phân loại các thi sinh giỏi.
Khối lượng kiến thức trong đề thi sàn sàn so với năm trước, khó hơn 1 chút nhưng không đáng kể.
Chắc là số lượng bài thi đạt điểm tuyệt đối trong đề này có lẽ cũng có tỷ lệ tương đương so với mọi năm.
Đề Vật lý "hứa hẹn" nhiều điểm cao
- Đề thi môn Vật lý khối A kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 được các thí sinh đánh giá là “dễ nhằn” hơn đề thi Toán, hứa hẹn sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. PGS.TS Lê Thanh Hoạch, giảng viên khối chuyên Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) còn cho rằng, đề "hơi dưới tầm so với học sinh giỏi”.
PGS. TS Lê Thanh Hoạch - giảng viên khối Chuyên Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội): Hơi dưới tầm học sinh giỏi
Đề thi năm nay vừa sức với học sinh trung bình khá và khá. Học sinh khá, giỏi có thể làm được 100%. Như vậy, đề thi hơi dưới tầm với học sinh giỏi, tuy nhiên vẫn đáp ứng được yêu cầu của tuyển sinh Đại học.
Nội dung đề thi hầu như tập trung hoàn toàn vào chương trình lớp 12, sát nội dung sách giáo khoa.
Phần đề chung có 16 lý thuyết và 24 câu bài tập, nếu tính trên toàn đề có 18 câu lý thuyết và 50 câu bài tập, vậy số câu hỏi lý thuyết chiếm 36% là tỷ lệ chấp nhận được.
Nhìn chung, câu hỏi thi phân bố rải đều theo các chương, sát với số lượng câu mà Bộ quy định cho mỗi chương. Tuy nhiên, trong một số chương thì số câu hơi tập trung quá vào một số vấn đề.
Ví dụ, trong chương dòng điện xoay chiều, 9 câu ở phần cơ bản, và 2 câu ở phần tự chọn A tập trung nhiều vào mạch R-L-C không phân nhánh. Trong khi đó, không có câu nào về máy phát điện và động cơ.
Hoặc, chương dao động và sóng điện từ có 3 câu tập trung vào mạch dao động, trong khi đó, không có câu nào về điện từ trường và thông tin liên lạc. Chương về lượng tử thì tập trung hơi nhiều về tiên đề Bo, còn khá nhiều đề vấn đề khác không được đưa vào đề thi…
Theo quan sát ban đầu, kiến thức trong đề thi không có gì bất thường.
Thầy Nguyễn Xuân Quang, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: Vẫn theo “kiểu” kiểm tra kiến thức kỹ năng
Nội dung đề thi bám sát chương trình SGK, kiến thức tập trung hầu hết ở lớp 12. Đề thi có tính phân loại khá. Tỉ lệ giữa lý thuyết và bài tập là hợp lý (số câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 1/3).
Mức độ dành cho học sinh học theo chương trình chuẩn và nâng cao là khá tương đương. Tuy nhiên, đề thi ra vẫn theo “kiểu” kiểm tra kiến thức kỹ năng như những năm trước mà chưa khai thác nhiều đến các nội dung kiến thức mới trong SGK hiện hành.
Chẳng hạn với đề thi dành cho chương trình chuẩn, HS học theo chương trình cũ trước đây (SGK cũ) vẫn có thể làm tốt mà không cần tham khảo bổ sung kiến thức từ SGK hiện hành.
Rất nhiều thí sinh mặc dù học chương trình nâng cao nhưng vẫn lựa chọn phần riêng theo chương trình chuẩn, vì chỉ cần học theo chương trình chuẩn (khối lượng kiến thức ít và nhẹ hơn) vẫn đảm bảo đủ nội dung kiến thức để thi ĐH.
Điều này vô tình làm cho không ít giáo viên và HS phải học chương trình nâng cao sẽ tự cắt xén nội dung chương trình.
Thầy Nguyễn Quý Xuân, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội: Mạch lạc
Đề chưa phát hiện vấp váp hay gây tranh cãi cho thầy và trò. Nhìn chung đề ra mạch lạc, kiến thức trong chương trình SGK chuẩn. So với đề thi tốt nghiệp, đây xứng đáng là đề thi ĐH.
Một số câu khó năm nay tập trung vào phần điện như câu 11, 36, 38 (mã đề 629) hay câu 45 (chương trình chuẩn), câu 54 (chương trình nâng cao) đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng giải toán tốt mới làm được bài.
Mức độ cho chương tình chuẩn và nâng cao là tương đương nhau. Do đó, thí sinh sẽ chủ yếu chọn chương trình chuẩn vì sẽ bớt được nhiều kiến thức, đặc biệt là chương vật rắn không có trong chương trình chuẩn.
Đề có độ phân hóa tốt, đạt được 6-7 điểm là không khó.
Thầy Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Có khả năng phân loại
1. Nhìn chung đề thi hết sức cơ bản, bao quát toàn bộ chương trình Vật lí phổ thông, không có câu hỏi mang tính lắt léo, đánh đố học trò. Các em học sinh nắm vững kiến thức cơ bản chắc chắn sẽ làm bài tốt.
2. Về nội dung, các câu hỏi phân bố đều khắp chương trình. Tỷ lệ giữa các câu hỏi lí thuyết và bài tập là hợp lí (khoảng 50% lý thuyết và 50% bài tập).
Tuy nhiên, theo tôi, số câu câu hỏi về Mạch điện xoay chiều RLC nối tiếp hơi nhiều. Mặc dù vậy, nếu xem kĩ về nội dung thì mỗi câu đều có chủ ý kiểm tra một kiến thức nào đó về mạch điện và không có sự trùng lắp. Tôi cho rằng cấu trúc như vậy cũng là hợp lí.
3. Về khả năng phân hóa: Tuy không có những câu thật khó để chọn học sinh giỏi nhưng trong đề thi có một số câu đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất vấn đề mới có thể chọn được câu trả lời đúng.
Ví dụ, câu hỏi về giao thoa sóng trên mặt nước, có hai nguồn dao động ngược pha nhau. Nếu học sinh không hiểu rõ bản chất mà vận dụng y nguyên công thức trong sách giáo khoa thì có thể sẽ sai lầm.
Có những câu hỏi về mạch điện xoay chiều có dữ kiện cho là giá trị tức thời của hiệu điện thế và cường độ dòng điện trong mạch, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất mới có thể làm được… Hay câu hỏi về giao thoa ánh sáng cũng đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức mới làm được.
Tôi cho rằng, đề thi sẽ có tác dụng phân hóa học sinh khá tốt. Những em chỉ học thuộc lòng mà không hiểu rõ kiến thức sẽ không thể đạt điểm cao
Thí sinh chóng mặt vì đề Hóa tính toán nhiều
- Đề Hóa năm nay kiến thức cơ bản, không nằm ngoài sách giáo khoa. Đề có khả năng phân loại tốt, các câu hỏi tương đối chuẩn. Tuy nhiên, đề khó hơn so với năm ngoái, đặc biệt phần riêng đề nâng cao. Bên cạnh đó, đề cũng hơi dài, tính toán nhiều, bài tập nặng, thí sinh trung bình sẽ "chóng mặt" với khối lượng tính toán như vậy.
Nhà giáo ưu tú Đào Hữu Vinh- nguyên Chủ nhiệm khối chuyên Hóa - ĐHKHTN, ĐHQGHN, người có thâm niên ôn thi ĐH môn Hóa nhận định.
"Đề thi cơ bản nằm trong nội dung sách giáo khoa, độ phức tạp hơn đề thi năm ngoái. Khoảng 20-30% là lý thuyết, bài tập nhiều, tính toán phức tạp" - Thí sinh Nguyễn Quốc Sơn ở Đông Anh cho biết.
Đề dài nhưng không khó
Vừa bước chân ra khỏi phòng thi sau 90 phút, hầu hết thi sinh tại các điểm thi: THPT Nhân Chính, THPT Lê Qúy Đôn (Hà Đông), trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) đều nhận xét đề thi năm nay khá dài nhưng không khó. Thí sinh dễ đạt điểm 6 điểm 7. Tại điểm thi THPT Nhân Chính, có nhiều em làm xong bài thi khá sớm (chưa hết thời gian thi).
Do những phần thi ở đề năm nay nằm tập trung ở chương trình lớp 12, nên thí sinh đã ôn chắc chắn và giải dễ dàng. Em Nguyễn Thanh Tùng - THPT Lam Sơn, Thanh Hóa - phấn khởi nói: "Em làm hết 100%, và hoàn thiện bài trước 90 phút. Đề Hóa hôm nay không khó, nếu học tốt chương trình lớp 12 thì sẽ làm được 80%".
Còn em Lê Hữu Vinh, học sinh trường THPT Lê Hoàn (Thọ Sơn, Thanh Hóa) khẳng định: "Riêng em nghĩ mình sẽ đạt 7,5 điểm. Ở trong phòng em các bạn đều làm bài tốt, nhanh và rất tự tin".
Thí sinh Hoàng Thị Hồng Nhung, Hà Nam nhận định: "Đề Hóa dễ thở hơn đề Toán và Lý. Nhiều bạn làm được. Em tự chấm cũng được khoảng 6 điểm". Nhung còn tự tin cho biết thêm: "Em thi vào trường ĐH Kinh tế của ĐHQGHN, qua 3 môn thi em nhận thấy mình có khả năng đỗ".
Em Trần Minh Đăng, thí sinh ở Hà Nội ao ước: "Gía như Toán và Lý làm được như thế này thì tốt quá". Thí sinh này cũng nhận xét và tự cho điểm mình ở thang điểm 8.
Tính toán phức tạp
"Đề thi cơ bản nằm trong nội dung sách giáo khoa, độ phức tạp hơn đề thi năm ngoái. Đề dài nên em làm không kịp thời gian. Khoảng 20-30% là lý thuyết, bài tập nhiều, tính toán phức tạp" - Thí sinh Nguyễn Quốc Sơn ở Đông Anh Hà Nội nhận định.
Rút kinh nghiệm từ lần thi năm ngoái, Quốc Sơn chắc mình sẽ đạt 7.5 điểm trong bài thi sáng nay.
Thí sinh Nguyễn Huy Hoàng dự thi khoa Tài chính - Ngân hàng, Học viện Ngân hàng nói: "Đề thi trắc nghiệm, nên em tích được hết các câu. Tuy nhiên, chỉ 50% là chắc chắn đúng".
Hoàng cũng chung nhận định rằng đề hôm nay có nhiều bài tập, tính toán rất nhiều bước.
Phần lớn nhận xét chung của các thí sinh là phải nhạy, và chính xác trong các phép tính mới có thể hoàn thành tốt bài thi.
"Đề dài, nhìn chung khó hơn năm ngoái" - thí sinh Nguyễn Văn Anh ở Quỳnh Phụ, Thái Bình than thở. Anh chỉ chắc chắn được 70% số câu. Trong khi làm đề thi năm ngoái, Anh làm được 80% câu hỏi.
Thí sinh Trịnh Ngọc Nam ở Hà Nội cho biết: "Bài tập quá nhiều, chiếm 70% số lượng câu hỏi. Em chỉ chắc được 60-70% câu đúng. Với đề thi Hóa năm ngoái, em làm được 8 điểm".
Nguyễn Thu Hương thí sinh dự thi Học viện Ngân hàng cho rằng: "Đề khó hơn năm trước nhiều, vì thi trắc nghiệm nên em cũng chưa biết kết quả như thế nào, nhưng chỉ khoảng 30% số câu làm em chắc chắn". Với đề thi năm 2008, Hương làm được 70%.
Tâm trạng vui hơn, Nguyễn Tuấn Hưng nói: "Đề Hóa khá cơ bản không chênh lệch nhiều về kiến thức so với năm ngoái, có chênh chăng chỉ là ở kỹ thuật tính toán, nếu luyện tập nhiều sẽ làm tốt. Em làm được hết bài, chắc sẽ được khỏang 8-9 điểm".
Nhà giáo ưu tú Đào Hữu Vinh- nguyên Chủ nhiệm khối chuyên Hóa - ĐHKHTN, ĐHQGHN:
Theo quan sát ban đầu, đề Hóa năm nay kiến thức cơ bản, không nằm ngoài sách giáo khoa. Đề có khả năng phân loại tốt, các câu hỏi tương đối chuẩn.
Tuy nhiên, đề khó hơn so với năm ngoái, đặc biệt phần riêng đề nâng cao.
Bên cạnh đó, đề cũng hơi dài, tính toán nhiều, bài tập nặng, thí sinh trung bình sẽ "chóng mặt" với khối lượng tính toán như vậy.
Có khoảng 10 câu khó, học sinh có lực học phải từ khá trở lên mới làm được.
Về cấu trúc đề thi, có chương trình rải đều của lớp 10 -11-12, tập trung nhất vào chương trình lớp 11.
Số câu hỏi liên quan tới kiến thức lớp 10-11 nhiều. Do đó, các học sinh lớp 10-11 đều có thể giải được đề thi này.
Đề có 24 câu lý thuyết, chiếm khoảng 50% (bao gồm phần tính toán). Số lượng câu lý thuyết như vậy là tương đối hợp lý.
Theo dự đoán của cá nhân, sẽ không nhiều em đạt điểm 9-10. Đa số chỉ trung bình 6-7.
Thầy Đăng Xuân Thư- Trường khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Đề ra cơ bản, mức độ đề so với năm trước "mềm" hơn. Nội dung đề dàn trải đều trong chương trình được học, khối lượng kiến thức cơ bản, không đánh đố HS.
Số lượng chữ HS đọc vừa phải, khoảng 5 trang, không quá dài như đề Lý phải đọc đến gần 7 trang.
Tuy nhiên, có một số câu yêu cầu cách giải nhanh bằng việc áp dụng các định luật mà không đi theo trình tự như tư luận.
Với mã đề 438, một số câu rơi vào trường hợp trên như câu 3, câu 5 (hữu cơ), hay vô cơ câu 25, câu 36, câu 27. Những câu này, nếu HS không có cách làm sáng tạo mà cứ đi theo trình tự thông thường thì sẽ mất thời gian làm bài.
Với đề này, HS khá, nắm vững kiến thức SGK có thể đạt được 8 điểm là không khó. Độ phân loại của đề khá tốt như một số câu yêu cầu HS có cách làm sáng tạo.
Thầy Lê Hồng Chung- Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội:
Về tổng thể đề không khó, chú trọng kiến thức cơ bản, nhiều câu có độ khó ở mức 1, mức chỉ yêu cầu sự hiểu biết mà không cần vận dụng (mã đề 438: câu 7, 11, 17, 18, 20, 23, 35, 39, 42, 44, 48, 53...).
Học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT năm 2009; áp dụng tốt các định luật bảo toàn khi giải bài toán là có thể đạt điểm cao.
Sẽ khó phân biệt được hai loại đối tượng Khá và Giỏi. Đây cũng là khó khăn chung khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với các môn Khoa học tự nhiên. Nhìn chung, đề Hóa năm nay sẽ có nhiều điểm 10 hơn, HS khá, nắm chắc kiến thức dễ đạt được 7-8 điểm.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì không nhất thiết phải có phần riêng cho chương trình chuẩn và chương trình nâng cao vì 02 lí do: Học sinh được tùy chọn 01 trong 02 phần; Nội dung kiến thức chương trình nâng cao đã bao gồm chương trình chuẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét