Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Giao tử là gì? Trình bày quá trình phát sinh giao tử ở động vật. So sánh giao tử đực và giao tử cái.


1. Giao tử :
- Giao tử là tế bào sinh dục có chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n) được hình thành từ quá trình giảm phân của tế bào sinh giao tử (2n) có khả năng thụ tinh tạo ra hợp tử.
- Có 2 loại giao tử : giao tử đực còn được gọi là tinh trùng và giao tử cái còn được gọi là trứng.
Thí dụ :
Người : 2n = 46 giao tử : n = 23
Ruồi giấm : 2n = 8 giao tử : n = 4
Lợn : 2n = 38 giao tử : n = 19
Gà : 2n = 78 giao tử : n = 39
2. Quá trình phát sinh giao tử ở động vật :
Ở động vật, giao tử được tạo thành ở tinh hoàn (đối với cá thể đực) hoặc ở buồng trứng (đối với cá thể cái). Về cấu tạo, tinh hoàn và buồng trứng được tập hợp từ nhiều ống dẫn sinh dục, mỗi ống dẫn sinh dục được chia thành 3 vùng : vùng sinh sản, vùng sinh trưởng và vùng chín.
a. Tại vùng sinh sản :
Các tế bào sinh dục sơ khai đực hoặc cái (đều có 2n nhiễm sắc thể) nguyên phân nhiều lần liên tiếp làm tăng số lượng tế bào sinh dục sơ khai đực hoặc cái (2n).
b. Tại vùng sinh trưởng :
Sau quá trình nguyên phân ở vùng sinh sản, nhiều tế bào sinh dục sơ khai tạo ra và được chuyển vào vùng sinh trưởng. Tại đây, các tế bào sinh dục sơ khai hoặc cái ngừng sinh sản, tiếp tục tích lũy chất dinh dưỡng và trở thành tế bào sinh giao tử đực hoặc cái (đều có 2n nhiễm sắc thể). Trong cùng một loài, tế bào sinh giao tử cái lớn hơn tế bào sinh giao tử đực do phải tích lũy nhiều chất dinh dưỡng hơn, chuẩn bị nuôn dưỡng phôi ở giai đoạn đầu nếu xảy ra quá trình thụ tinh.
c. Tại vùng chín :
- Các tế bào sinh giao tử đực hoặc cái và vùng chín, thực hiện giảm phân qua 2 lần phân bào. Kết quả mỗi tế bào sinh giao tử tạo 4 tế bào con, đều có chứa n nhiễm sắc thể.
- Ở cá thể đực, cả 4 tế bào con nói trên đều trở thành 4 giao tử đực và đều có kích thước bằng nhau.
- Ở cá thể cái, trong 4 tế bào con nói trên thì có 1 tế bào có kích thước lớn trở thành trứng, có khả năng thụ tinh, 3 tế bào còn lại có kích thước nhỏ hơn trở thành thể định hướng, không có khả năng thụ tinh và sau đó bị tiêu biến đi.
3. So sánh giao tử đực và giao tử cái :
a. Những điểm giống nhau :
- Đều được hình thành từ quá trình giảm phân của các tế bào sinh giao tử ở vùng chín của ống dẫn sinh dục.
- Đều chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n).
- Đều có khả năng thụ tinh để tạo ra hợp tử.
b. Những điểm khác nhau :
- Giao tử đực được tạo ra từ tế bào sinh tinh trong tinh hoàn, còn giao tử cái được tạo ra từ tế bào sinh trứng trong buồng trứng.
- Giao tử cái có kích thước lớn hơn giao tử đực cùng loài do giao tử cái tích lũy nhiều chất dinh dưỡng hơn để chuẩn bị nuôi dưỡng phôi ở giai đoạn đầu, nếu xảy ra quá trình thụ tinh.
- Thời gian sống của giao tử cái dài hơn so với thời gian sống của giao tử đực cùng loài.
- Số lượng giao tử đực phát sinh nhiều hơn số lượng giao tử cái phát sinh trong cùng 1 loài. Một tế bào sinh tinh giảm phân tạo 4 tinh trùng, trong khi một tế bào sinh trứng giảm phân chỉ tạo ra 1 trứng.
- Nhiễm sắc thể giới tính trong giao tử đực và trong giao tử cái có thể khác nhau.

9 nhận xét: