Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Một bức ảnh có thể giết chết tâm huyết người thầy

Theo Bee

- “Chỉ cần một bức ảnh, một đoạn phim hay một bình luận không đúng hoặc hơi quá sẽ giết chết cả một lý tưởng, tâm huyết, của một người. Tôi không đồng tình với việc là các em chụp những hình ảnh đó rồi tung lên mạng, sau đó báo chí đồn thổi lên…”


LTS: Dư luận chưa kịp lắng xuống sau vụ việc một nữ giáo viên dạy môn thể dục của Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) đã có nhéo vào đùi non của nam sinh, thì những ngày qua, HS và GV lại xôn xao bởi những bức ảnh được chụp lại cảnh một cô giáo ở trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tát học sinh ngay trong lớp học.

Sau những ồn ào này, Bee có nhận được phản hồi của một số GV đang công tác ở Hà Nội.


Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (GV dạy Toán, trường THCS Thanh Xuân Nam, Hà Nội): Một bức ảnh có thể giết chết lý tưởng, tâm huyết của một người.

Đôi khi những hành động như nhéo, ký tai thế cũng là hành động âu yếm. Tôi nghĩ rằng việc các em dùng điện thoại chụp lại, quay lại rồi tung lên mạng là không nên.

Bởi chỉ cần một bức ảnh, một đoạn phim hay một bình luận không đúng hoặc hơi quá sẽ giết chết cả một lý tưởng, tâm huyết của một người. Tôi không đồng tình với việc là các em chụp những hình ảnh đó rồi tung lên mạng, sau đó báo chí vào cuộc, tự nhiên sự việc bị đồn thổi nên một cách không cần thiết.

Nếu như giáo viên đó có dùng những hình phạt quá đáng thì các em nên trình bày với nhà trường, với phụ huynh để nói chuyện rõ ràng, rồi có thể tìm những biện pháp tốt hơn để cả cô không bị mang tiếng bạo hành, vi phạm đạo đức, còn học trò thì ngày càng chăm ngoan, học giỏi hơn.

Ngày xưa, chúng tôi còn bị phạt nặng hơn, nhưng cũng vì những hình phạt đó mà chúng tôi chăm ngoan hơn rất nhiều , chúng tôi cũng không hề nghĩ rằng đó là bạo lực học đường cần phải tố cáo.

Có khi những giáo viên dùng hình phạt như đó lại chính là những giáo viên tâm huyết với nghề, yêu nghề. Nói như vậy, tất nhiên không phải để cổ xúy cho hành động đánh học sinh, nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn bản chất sự việc rõ hơn, tùy từng hoàn cảnh để kết luận sự việc”


Cô Lan Anh (GV dạy Văn, THPT Thăng Long, Hà Nội): Báo chí đừng thổi phồng sự việc quá lên thế!

Trường tôi rất nhiều học sinh dùng điện thoại di động, tuy nhiên chúng tôi thực hiện khá nghiêm việc cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp. Và bản thân các em cũng tự ý thức được việc đó nên hầu như không có học sinh nào sử dụng điện thoại trong lớp học.

Tôi nghĩ rằng, việc phạt học sinh như: véo tai, dùng thước đánh, thậm chí tát học sinh cũng chỉ là những hành động xuất phát từ việc mong muốn các trò của mình học tốt hơn, ngoan hơn. Chục năm theo nghề, tôi thấy, rất ít giáo viên có thái độ thù ghét học sinh, họ đánh không phải ác ý, đôi khi chỉ do nóng quá, ức chế quá và trên hết cũng chỉ là mong muốn học sinh của mình tốt hơn.

Về những sự việc mà gần đây báo chí thông tin, theo tôi, những hành động thế này của giáo viên cũng không quá nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng nhiều, thậm chí đôi khi hình phạt của giáo viên lại là liệu pháp tốt cho học sinh, vì thế báo chí cũng không cần phải thổi phồng và làm nóng sự việc bằng cách tốn nhiều giấy mực để viết về nó như thế.

Tôi cũng không đồng tình việc một số tờ báo bình luận: giáo viên này vi phạm đạo đức nghề, rồi không có lương tâm, thậm chí Sở GD&ĐT đưa ra mức kỷ luật là hơi quá.

Cô Nguyễn Thị Thúy (GV dạy Văn, THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội) : Chưa bao giờ phải cảnh giác khi dùng hình phạt với học sinh

Hầu hết những học sinh bị dùng hình phạt chủ yếu là những học sinh yếu kém, nghịch ngợm và đạo đức không tốt. Có thể do không kiểm chế được nên một số giáo viên phải dùng hình phạt, theo tôi, như thế là hết sức bình thường.

Có thể học sinh chộp được những hình ảnh đó, ghi lại và tung lên mạng khiến nhiều người hiểu lầm, thậm chí bóp méo bản chất sự việc cho rằng giáo viên bạo hành học sinh. Tôi không đồng ý với những nhận định này.

Nghề giáo của chúng tôi đôi khi áp lực, nên không thể tránh khỏi việc nổi nóng. Chúng tôi có trao đổi với nhiều phụ huynh học sinh, có không ít phụ huynh cũng đồng ý và ủng hộ với chúng tôi: nếu học sinh nghịch ngợm, không làm bài tập, yếu kém thì có thể dùng hình phạt để răn đe, dạy bảo.

Tôi thì chưa bao giờ phải cảnh giác hay lo lắng với chuyện học sinh sẽ dùng điện thoại chụp hay quay lén khi sử dụng hình phạt. Bởi những hình phạt của tôi rất nhẹ nhàng như: bắt viết kiểm điểm, mời phụ huynh học sinh, đứng góc bảng, hay cùng lắm là dùng thước kẻ vụt nhẹ vào tay học sinh và phụ huynh của các em hầu hết đồng tình với những hình phạt này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét