Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

ĐỌC VÀ NGHĨ VỀ MỘT THỰC TẾ CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM



Theo báo QĐND
Ảnh minh họa. Internet
Một sinh viên của trường cao đẳng nọ về thực tập tại cơ quan tôi. Lúc đầu, ai cũng quý mến vì cô xinh, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Nhưng sau 2 tháng, tình cảm của mọi người trong phòng dành cho cô vơi hẳn, vì cô xinh, nhưng trong đầu không có gì. Cô như bông hoa râm bụt đỏ rực rỡ, nhưng không mùi vị. Tin, bài của cô được đăng báo cơ bản là nhờ các anh chị phóng viên.
Chuyện ấy, lẽ ra không quá nặng nề, nếu một ngày nọ cô không thổ lộ: “Em sẽ trở thành tiến sĩ”. Kết thúc đợt thực tập, người hướng dẫn tiểu luận cho cô 8 điểm, cô vùng vằng, cô khóc, cô xin… suốt 2 ngày. Cô bảo: “Trường em cho điểm rộng tay lắm, cơ bản là 9 và 10. Nếu anh cho em 8 thì điểm tổng kết của em bị hạ xuống à!”. Đòi hỏi không được đáp ứng, cô ngúng ngoẳng về trường, không một lời chào.
“Em sẽ trở thành tiến sĩ!”- một tâm sự rất thật, một nguyện vọng hướng thiện, mới nghe thật đáng yêu. Từ hôm cô về trường, tôi cứ ám ảnh cái quyết tâm của cô trở thành tiến sĩ. Rõ là, cứ cho điểm “rộng tay” như cô nói, nếu không đạt thì khóc, thì xin, rồi nhờ vả… thì chuyện cô học lên đại học, rồi lại học lên "cấp tiến sĩ" như cô dự định là trong tầm tay, trong cả ánh mắt, khóe cười của cô. Rồi tương lai, cô lại hướng dẫn, lại phản biện nhiều luận án tiến sĩ khác.
Nghĩ về cô, tôi buồn lòng khi nhớ lại mấy lời tổng kết của người xưa: Làm thầy thuốc mà nhầm thì chết một người; Làm thầy địa lý mà nhầm, thì chết một dòng họ; Làm thầy giáo mà nhầm, giết chết một thế hệ.
Trò chuyện bên bàn nước, có người đã không quá lời: Trong nhiều thứ vay mượn, vay mượn kiến thức là xấu hổ nhất. Trong nhiều thứ ăn cắp, ăn cắp kiến thức là dễ nhất, nhưng đáng lên án nhất. Trong nhiều loại tội phạm, tội phạm kiến thức là nguy hại nhất. Có lẽ nào, một cô gái xinh tươi ngần ấy lại trở thành một tội phạm?
Cái nguyên nhân trước hết nằm ở chỗ cô tham vọng và không tự biết mình. Nếu cô an phận làm một nông dân, làm vợ, làm mẹ thì thật đáng kính. Cô tranh thủ sự lỏng lẻo trong hệ thống đánh giá các nấc thang tri thức và nhân phẩm để mong giành lấy tấm bằng tiến sĩ, ngẫu nhiên cô trở thành một tội đồ gieo rắc bất an, bất công, bất bình âm ỉ cho xã hội mà cô không biết.
Cái nguyên nhân sâu xa thuộc về hệ thống: Hạ thấp yêu cầu; chắp vá, vay mượn qua loa đại khái; trọng bằng cấp, không trọng kiến thức; tư tưởng học để làm quan phát tài; gắn bằng cấp với các cương vị quản lý… đã sản sinh ra không ít người như cô. Thế nên, chuyện của cô gái, suy cho cùng, thật đáng thương nhiều hơn đáng trách.
Hy vọng, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây: “35 cơ sở đào tạo có 101 chuyên ngành chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ khoa học, phải dừng tuyển sinh đào tạo tiến sĩ từ năm 2010 để củng cố và bổ sung đội ngũ”, sẽ phần nào lái cái con tàu học của nước nhà đúng đường ray.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét